Cảm xúc khai trường

Thứ tư - 02/10/2013 14:59
Nếu mỗi ngày đến trường là một niềm vui thì bước chân vào cổng trường trong ngày khai giảng là một niềm hạnh phúc lớn.
Cảm xúc khai trường


Nghe giai điệu Quốc ca ngân lên hùng tráng, nghe tiếng trống khai trường giục giã, nhìn lá cờ đỏ thắm tung bay trên nền trời xanh cao lồng lộng nắng thu vàng…, những hình ảnh đó mãi mãi là nét đẹp sáng trong.

Với tâm thức tôn sư trọng đạo, nhiều thế hệ người Việt Nam đã lưu giữ những hình ảnh thiêng liêng của ngày khai trường ở một vị trí đặc biệt trong tâm hồn. Không chỉ là ngày khai trường đầu tiên vào lớp một với tâm trạng rụt rè, khép nép bên tà áo mẹ mà ngay cả ngày khai trường của năm cuối bậc phổ thông, học sinh nào cũng cảm thấy nôn nao, rạo rực trong lòng. Vẫn bao nhiêu thầy cô giáo thân thuộc đó thôi, vẫn sân trường, ghế đá, bạn học ngày nào, vẫn tán phượng xưa, vẫn cây bàng cũ nhưng sao cứ thấy dào lên trong lòng biết bao cảm xúc mới.

Trong Nho tự, chữ “Khai” thuộc bộ “Môn”, gợi lên hình ảnh hai cánh cửa đang mở, dẫn người học đến với ngọn nguồn của sự khai tâm và khai trí. Cái tâm có sáng thì cái trí mới trong, mới sâu xa và hữu dụng. Không mở lòng ra, không trải lòng ra để yêu thương quê hương, đất nước một cách nồng thắm, chân thành thì cái trí rất dễ đứng về phía của sự háo danh, vòi vĩnh, dọa dẫm, học phiệt, vinh thân phì gia. Có lẽ bao đời nay, cổng trường mở ra là để dạy cho con người hai chữ: Tâm và Trí.

Trong mắt những bậc cha mẹ đưa con đến trường sáng ngày khai trường tràn ngập biết mấy niềm vui. Họ vui khi nhìn gương mặt sáng tươi, rạng rỡ của con em mình đang cùng chúng bạn xếp hàng vào lớp. Họ cũng vui vì đang gặp lại mình tươi tắn, trẻ trung, nghe lại rung cảm của những mùa khai trường xưa tưởng đã lùi sâu vào ký ức.

Những năm gần đây, ngày khai trường còn được gọi là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ em đến trường”. Câu nói ấy gợi lên sự chung tay của cộng đồng, truyền thống hiếu học của dân tộc, tinh thần trách nhiệm của xã hội. Gần đây, chương trình “Nhà bán trú cho em” do các tổ chức chính trị - xã hội và Báo Thanh Niên phát động đã thu hút hàng vạn tin nhắn ủng hộ của nhân dân cả nước. Có thể nói, mỗi tin nhắn là một tấm lòng, một viên gạch xây nên những ngôi nhà bán trú cho học sinh vùng cao, để các em thôi nhếch nhác, co ro trong những căn lều trống trước hụt sau khi mùa rét sắp về. Đây là tín hiệu ấm áp trong những ngày mở đầu năm học mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây